Lịch sử tổ chức Cứu tế Đỏ Quốc tế

Sự hình thành

Cứu tế Đỏ Quốc tế (tên gốc: Hội Cứu trợ Công nhân Quốc tế), thường được biết đến bởi từ viết tắt tiếng Nga, MOPR,[1] được thành lập năm 1922 để đáp lại chỉ thị của Đại hội Thế giới lần thứ tư của Quốc tế Cộng sản kêu gọi tất cả các đảng cộng sản "hỗ trợ thành lập các tổ chức nhằm cung cấp vật chất và viện trợ đạo đức cho tất cả những người bị cầm tù dưới chế độ chủ nghĩa tư bản." [2]

Julian Marchlewski-Karski được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương, cơ quan chủ quản của MOPR. Sau năm 1924, tên của cơ quan chỉ đạo này được đổi thành Ban chấp hành.[3]

Phiên họp toàn thể đầu tiên của Ủy ban Trung ương MOPR được tổ chức vào tháng 6 năm 1923 tại Moscow. Trong phiên họp này, Hội đã thống nhất rằng MOPR sẽ thành lập chi hội ở tất cả các quốc gia, đặc biệt là những nước đang xảy ra những cuộc "khủng bố trắng" chống lại phong trào cách mạng.

Phát triển

Hội nghị quốc tế đầu tiên của MOPR diễn ra vào tháng 7 năm 1924, cùng thời điểm với Đại hội Thế giới lần thứ năm của Quốc tế Cộng sản.

Theo Elena Stasova, người đứng đầu chi bộ MOPR tại Nga và Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương của MOPR, tính đến ngày 1 tháng 1 năm 1928, MOPR có tổng số thành viên là 8.900.000 người tại 44 quốc gia. Đến ngày 1 tháng 1 năm 1931, phạm vi của MOPR đã tăng lên 58 quốc gia, với tổng số thành viên là 8.305.454, theo bà Stasova.[4] Vào thời điểm đó (1931), bà Stasova cho biết, Hội MOPR đã duy trì tổng cộng 56 ấn phẩm định kỳ bằng 19 ngôn ngữ.[5]

Tem thư tuyên truyền của hội Quốc tế Cứu tế Đỏ in tại Liên Xô năm 1932

Stasova lưu ý rằng hai hình thức của tổ chức MOPR đã cùng tồn tại hoạt động, một là "các tổ chức quần chúng" - chẳng hạn như ở Liên Xô, Đức, Pháp, Hoa Kỳ - và "các tổ chức thuộc loại ủy ban" - chỉ tập trung về viện trợ pháp lý và vật chất cho các tù nhân chính trị và gia đình của họ mà không cố gắng thành lập các tổ chức thành viên quy mô lớn.[6]

Bà Stasova nhấn mạnh sự khác biệt giữa MOPR và Hội Cứu trợ Quốc tế Công nhân (Mezhrabpom), một nhánh khác của hệ thống tổ chức quốc tế của Quốc tế Cộng sản. Năm 1931, bà nhận xét: "Sự khác biệt là chúng tôi (MOPR) chuyên hỗ trợ các tù nhân chính trị, còn Hội Cứu trợ Quốc tế Công nhân (Mezhrabpom) hỗ trợ các cuộc đình công và đấu tranh kinh tế của công nhân."[7]

Đại hội Hội Quốc tế Cứu tế Đỏ Thế giới lần thứ 1 được tổ chức vào tháng 11 năm 1932. Tại đại hội này, MOPR thông báo rằng, tính đến ngày 1 tháng 1 năm 1932, MOPR đã thành lập 67 chi bộ quốc gia bên ngoài Liên Xô, với 1.278.274 thành viên.[8]

Giải thể

MOPR được lãnh đạo bởi Elena Stasova cho đến năm 1938. Sau thời gian đó, hoạt động quốc tế của hội không còn được chú trọng.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Cứu tế Đỏ Quốc tế http://mtcha.com.ne.kr/koreaman/sosun/man105-idong... http://www.difusioncultural.uam.mx/revista/sep99/f... http://www.alternativabolivariana.org/modules.php?... http://dangcongsan.vn/tu-lieu-tham-khao-cuoc-thi-t... http://dangcongsan.vn/tu-lieu-tham-khao-cuoc-thi-t... https://web.archive.org/web/20060521024031/http://... https://web.archive.org/web/20110725001211/http://... https://web.archive.org/web/20200611163436/http://... https://web.archive.org/web/20200611163436/http://...